
Trình bày tóm tắt tiểu sử của Tố Hữu
Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920. Ông quê ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông thân sinh Tố Hữu là một nhà nho nghèo, tuy không đỗ đạt và phải chật vật để kiếm sống bằng nhiều nghề nhưng lại ham làm thơ và thích sưu tầm ca dao, tục ngữ. Từ thuở nhở, Tố Hữu đã được cha dạy làm thơ theo những lối cổ. Mẹ là con của một nhà nho, thuộc nhiều ca dao, dân ca xứ Huế và rất giàu tình thương con. Tố Hữu mồ côi mẹ từ năm mười hai tuổi và một năm sau lại xa gia đình vào học Trường Quốc học Huế.
Quê hương cũng góp phần quan trọng vào sự hình thành hồn thơ Tố Hữu. Tuy quê ông là một vùng đất nghèo nhưng phong cảnh thiên nhiên, núi sông lại rất nên thơ. Xứ Huế còn nổi tiếng là một vùng văn hóa phong phú, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, bao gồm cả văn hóa cung đình và văn hóa dân gian mà nổi tiếng nhất là những điệu ca, hò như: Nam ai nam bình, Mái nhì mái đẩy,…
Bước vào tuổi thanh niên đúng vào những năm phong trào Mặt trận Dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo dấy lên sôi nổi trong cả nứớc, mà Huế là một trong những trung tâm sôi động nhất, Tố Hữu đã có sự gặp gỡ may mắn và đẹp đẽ với lí tưởng cách mạng. Được lôi cuốn vào phong trào đấu tranh, Tố Hữu đã trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế.
Năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và từ đó hoàn toàn hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Đầu năm 1939, thực dân Pháp trở lại đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương, cuối tháng tư năm ấy, Tô Hữu bị băt giam tại nhà lao Thừa Thiên và Tây Nguyên. Tháng 3 năm 1942, Tố Hữu đã vượt ngục Đăk Lay (Kon Tum), vượt hàng trăm cây số đường rừng, thoát khỏi sự vây lùng của kẻ thù, tìm ra Thanh Hóa, bắt liên lạc với tổ chức cách mạng và tiếp tục hoạt động. Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, Tố Hữu là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa ở Huế, lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố quê hương, nơi đầu não của bộ máy chính quyền phong kiến.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tố Hữu được điều động ra Thanh Hóa một thời gian, rồi lên Việt Bắc công tác ở Cơ quan Trung ương Đảng, đặc trách về văn hóa, văn nghệ. Trong hai cuộc kháng chiên chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ và từ đó cho đến năm 1986, Tố Hữu liên tục giữ cương vị trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (ông từng là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).
Ở Tố Hữu, con người chính trị và con người nhà thơ thống nhất chặt chẽ, sự nghiệp thơ gắn liền với sự nghiệp cách mạng. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
Thống kê tìm kiếm
- https://xembaitap com/trinh-bay-tom-tat-tieu-su-cua-huu html